HỢP ĐỒNG – GIẤY CHỨNG NHẬN BẢO HIỂM NHÂN THỌ CÓ PHẢI LÀ “GIẤY TỜ CÓ GIÁ”?

Theo quy định tại Điểm 8, Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, thì “giấy tờ có giá” là: “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”Căn cứ định nghĩa này, chúng ta sẽ xem xét “Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ - Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, có phải là một loại “giấy tờ có giá” hay không?

HỢP ĐỒNG – GIẤY CHỨNG NHẬN BẢO HIỂM NHÂN THỌ CÓ PHẢI LÀ “GIẤY TỜ CÓ GIÁ”?

Chúng ta cần có các yếu tố sau để xác định một loại chứng từ được xem là “Giấy tờ có giá”:

1. Bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ trong một thời hạn xác định.

2. Điều kiện trả lãi.

3. Các điều kiện khác.

1. Về “BẰNG CHỨNG XÁC NHẬN NGHĨA VỤ TRẢ NỢ TRONG MỘT THỜI HẠN XÁC ĐỊNH”

 

Xét nội dung hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các nghĩa vụ tài chính mà DNBH cam kết trong hợp đồng bảo hiểm có phải là một “khoản nợ” trong một thời hạn nhất định hay không? Và nếu không, các nghĩa vụ tài chính đó được xác định là gì?

Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần căn cứ vào HỆ THỐNG CHUẨN MỰC KẾ TOÁN VIỆT NAM - Chuẩn mực số 19 - HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM (Ban hành và công bố theo Quyết định số 100/QĐ-BTC ngày 28/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) Tại Chuẩn mực 19 này, có định nghĩa như sau:

Khoản nợ bảo hiểm: Là các nghĩa vụ thuần theo hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Các nghĩa vụ thuần của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đó là:

- Trả tiền bảo hiểm và các khoản lãi theo cam kết khi đáo hạn hợp đồng cho người thụ hưởng.

- Trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng khi sự kiện bảo hiểm phát sinh.

- Các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan.

Như vậy, chiếu theo Chuẩn mực kế toán số 19 – Mỗi hợp đồng bảo hiểm là một “Khoản nợ bảo hiểm”, sẽ được DNBH theo dõi theo chuẩn mực này. Theo đó, “Tại thời điểm khoá sổ lập báo cáo tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm phải đánh giá việc ghi nhận các khoản nợ bảo hiểm đã đầy đủ hay chưa, bằng cách ước tính giá trị hiện tại của các luồng tiền phát sinh trong tương lai theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm.

Nếu đánh giá đó cho thấy giá trị ghi sổ của những khoản nợ bảo hiểm là không đủ so với các luồng tiền ước tính trong tương lai, thì toàn bộ số thiếu hụt này sẽ được phản ánh vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh”.

2. Về ĐIỀU KIỆN TRẢ LÃI

 

Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ phải trả lãi theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, căn cứ vào khái niệm “Lãi suất thị trường hiện hành” thì - “Doanh nghiệp bảo hiểm được phép, nhưng không bắt buộc phải thay đổi các chính sách kế toán để tính lại các khoản nợ bảo hiểm theo lãi suất thị trường hiện hành và ghi nhận những thay đổi của các khoản nợ đó trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Tại thời điểm đó, họ cũng có thể áp dụng các chính sách kế toán mà có yêu cầu các ước tính hiện tại và các giả định khác để xác định các khoản nợ bảo hiểm theo công thức đã định sẵn. Không áp dụng các chính sách kế toán này một cách nhất quán cho tất cả các khoản nợ tương tự khác vì Chuẩn mực kế toán số 29 đã có hướng dẫn khác cho các khoản nợ này. Nếu như doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn cách xác định nợ bảo hiểm theo cách này, họ sẽ tiếp tục sử dụng lãi suất thị trường hiện hành (nếu có thể và các ước tính, giả định hiện hành khác – nếu có) một cách nhất quán trong tất cả các kỳ báo cáo và cho tất cả các khoản nợ này cho tới khi chúng được thanh toán.” - (Trích Chuẩn mực kế toán số 19)

Và, Tỷ suất đầu tư trong tương lai – “Doanh nghiệp bảo hiểm không nhất thiết phải thay đổi các chính sách kế toán cho các hợp đồng bảo hiểm để tính toán lại tỷ suất đầu tư trong tương lai. Tuy nhiên có một giả định là báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ giảm độ hợp lý và tin cậy nếu như họ sử dụng chính sách kế toán để phản ánh tỷ suất đầu tư trong tương lai nhằm tính toán các hợp đồng bảo hiểm, trừ khi những tỷ suất đó phản ánh khoản phải thanh toán theo hợp đồng” - (Trích Chuẩn mực kế toán số 19).

3. CÁC ĐIỀU KIỆN KHÁC

 

 

 

Các điều kiện khác được ghi trong hợp đồng BH như: Điều khoản loại trừ bảo hiểm; Điều khoản mở rộng bảo hiểm; Điều khoản thanh toán; Điều khoản chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm;….

KẾT LUẬN

Từ (A); (B) và (C), Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 - “Hợp đồng - Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ”đã hội đủ yếu tố để xác định là một loại “GIẤY TỜ CÓ GIÁ”.

“Giá” của Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là khoản tiền DNBH cam kết trả cho BMBH ghi trong HĐBH, tương ứng với điều kiện và thời điểm phải trả, bao gồm các khoản lãi và lợi nhuận đầu tư của DNBH.

4. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ CÓ THỂ ĐƯỢC CHUYỂN NHƯỢNG HAY KHÔNG?

 

 

Căn cứ Điều 18 - Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành

Bên mua bảo hiểm có quyền

a}…

đ) Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật;

Căn cứ “Điều 26. Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm

1. Bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực trong trường hợp bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc chuyển nhượng và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng đó, trừ trường hợp việc chuyển nhượng được thực hiện theo tập quán quốc tế.”

Như vậy, nếu việc chuyển nhượng “được thực hiện theo tập quán quốc tế” - Thì các Bên tham gia chuyển nhượng không cần thông báo bằng văn bản cho DNBH. Tập quán quốc tế ghi nhận hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể được mua/bán; cầm cố/thế chấp,...

5. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ CÓ THỂ ĐƯỢC GIAO DỊCH ĐIỆN

TỬ HAY KHÔNG?

 

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Các quy định của Luật này KHÔNG ÁP DỤNG đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và CÁC GIẤY TỜ CÓ GIÁ KHÁC.”

Căn cứ Điều 117 - Bộ Luật dân sự 2015 - Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

  • Suy ra, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không thể áp dụng giao dịch điện tử. Nếu các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ áp dụng giao dịch điện tử thì … có dấu hiệu …. Vi phạm khoản 2 Điều 117 – BLDS nêu trên.

“Luật sư làng”

Tác giả: TRƯƠNG MINH CÁT NGUYÊN -GIÁM ĐỐC TILA

Tila

CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ BẢO HIỂM TILA

 Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà Rivergate Residence, Số 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh.

 Số liên hệ: 0933773076

 Email: tuvantila@tilafinance.com.vn

 


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng