Vai Trò Của Đại Lý Bảo Hiểm - Cần Nhận Thức lại, Tác giả : Trương Minh Cát Nguyên

Thuật ngữ "Đại lý độc lập" là từ được dịch từ tiếng Anh của "Independent Agent", nó có phải là một điều hợp lý nếu căn cứ theo nền tảng Pháp lý, kinh tế - xã hội, nên Văn hóa Việt nam đương đại. 

VAI TRÒ CỦA ĐẠI LÝ BẢO HIỂM – CẦN NHẬN THỨC LẠI

Từ các cuộc tranh luận, về thuật ngữ “Đại lý độc lập” – được dịch từ tiếng Anh là “Independent Agent”, tôi không đồng ý sử dụng cụm từ này khi Việt ngữ hóa, nhằm để phân biệt với các đại lý chỉ bán sản phẩm cho một doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất. Bởi theo tôi cần phải xét đến/căn cứ vào nền tảng pháp lý, nền Kinh tế - Xã hội, nền Văn hóa của Việt Nam đương đại. Tôi đề xuất không cần dịch cụm từ “Independent Agent” này ra Việt ngữ để áp dụng đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam. Vì nó không tồn tại, thay vào đó sẽ sử dụng cụm từ “đại lý không độc quyền”.

TẠI SAO VẬY ??

Ở các nước tư bản, cấu trúc quản lý kinh tế của họ có các tổ chức nghiệp đoàn gọi là Sin–đi–cát (Syndicate). Một người hành nghề đại lý bảo hiểm sẽ có tổ chức nghiệp đoàn quản lý/bảo vệ họ. Dĩ nhiên, để làm được việc này các cá nhân hành nghề đại lý bảo hiểm sẽ đóng một khoản phí định kỳ cho nghiệp đoàn. Một đại lý bảo hiểm không thuộc một nghiệp đoàn nào, hoạt động một cách độc lập, không cần sự bảo vệ/quản lý của sin-đi-cát sẽ được gọi là một “Independent Agent”, dịch sát nghĩa theo tiếng Việt là “đại lý độc lập”.

Ở Việt Nam, hiện tại không có/chưa có bất cứ nghiệp đoàn nào được chính thức thừa nhận/công nhận. Chỉ có một tổ chức chính trị được gọi là “công đoàn”, đại diện cho người lao động, thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam, sẽ tồn tại trong mỗi doanh nghiệp, nói lên tiếng nói của người lao động tại doanh nghiệp đó. Do đó, chiếu theo tiêu chuẩn của luật pháp nước Mỹ, hay các nước tư bản khác, thì tại Việt nam, tất cả các đại lý bảo hiểm hiện nay đều là “đại lý độc lập”, không nằm trong bất cứ một tổ chức chính trị hay tổ chức nghề nghiệp nào cả!

Vì lý do đó, để đề cập đến tính chất nghề nghiệp một đại lý có thể bán bảo hiểm cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau, thì chỉ có thể sử dụng cụm từ “đại lý không độc quyền” để phân biệt với một đại lý chỉ bán cho duy nhất một doanh nghiệp, gọi là “đại lý độc quyền”.

Vậy, theo pháp luật Việt Nam, một đại lý bảo hiểm có thực sự độc lập trong nghề nghiệp hay không?

Câu trả lời là, nếu so sánh ý nghĩa tương đối của khái niệm “độc lập”, thì ta thấy rằng đó là một thể nhân kinh doanh, được quyền tự quyết, tự do quyết định hoàn toàn. Nhưng trong khuôn khổ mối quan hệ với chủ thể pháp nhân mà mình làm đại lý –DNBH – được ràng buộc bởi một văn bản gọi là hợp đồng thì hoàn toàn không thể “độc lập”. Theo pháp luật Việt Nam, đại lý chính là người được DNBH ủy quyền, thay mặt DNBH giao kết bảo hiểm với khách hàng. Do vậy, một khách hàng mua bảo hiểm với đại lý chính là một giao kết mua/bán trực tiếp với nhà bảo hiểm. Đây là một chế định đặc biệt mà luật pháp Việt Nam dành cho người hành nghề đại lý bảo hiểm, khác với nhiều hình thức “đại lý bán hàng” khác chiếu theo Luật thương mại.

Nhiều năm qua, chúng ta đã nhầm lẫn rằng đại lý là một trung gian bảo hiểm. Với bản chất hợp đồng đại lý là hợp đồng ủy quyền, cho phép chúng ta khẳng định đại lý không phải là một trung gian bảo hiểm. Đó là người được doanh nghiệp ủy quyền giao kết bảo hiểm với khách hàng – đây là giao kết trực tiếp.

Vậy, tại Việt Nam, trung gian bảo hiểm hiện nay là những ai?

Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm, theo tôi hiện nay thị trường có các trung gian bảo hiểm như sau:

- Môi giới bảo hiểm – Tham khảo điều 89 – Luật KDBH

- Tư vấn bảo hiểm – Tham khảo Luật số 42/2019/QH14

TÁC GIẢ: TRƯƠNG MINH CÁT NGUYÊN (LUẬT SƯ LÀNG)- TỔNG GIÁM ĐỐC TILA

Tila

CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ BẢO HIỂM TILA

 Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà Rivergate Residence, Số 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh.

 Số liên hệ: 0933773076

 Email: tuvantila@tilafinance.com.vn

 


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng