TÓM TẮT VỤ ÁN "HAI NGÓN TAY CỦA ÔNG LÊ HOÀNG VŨ-PHÚ HƯNG" - Phần 2

Tổng giám đốc TILA - TRƯƠNG MINH CÁT NGUYÊN chia sẻ suy nghĩ, quan điểm về vụ án "Hai ngón tay của ông LÊ HOÀNG VŨ -PHÚ HƯNG LIFE", tóm tắt lại quá trình thụ lý và xét xử phúc thẩm của Tòa án. Đây là vụ án tranh chấp quyền lợi bảo hiểm nhân thọ của khách hàng trong trường hợp khách hàng bị thương tật vĩnh viễn, cụt mất 2 ngón tay.

TÓM TẮT VỤ ÁN “HAI NGÓN TAY CỦA ÔNG LÊ HOÀNG VŨ – PHÚ HƯNG LIFE”

PHẦN 2 (PHIÊN PHÚC THẨM)

Bản Án Phúc Thẩm Vụ Án Hai Ngón Tay - hình ảnh

Quá trình đấu tranh với nhà bảo hiểm Phú Hưng tại phiên phúc thẩm là quá trình làm việc cảm xúc nhất mà chúng tôi từng trãi qua.

Việc kiện nhà bảo hiểm tại đại bản doanh của họ thì chắc chắn phía Bên mua bảo hiểm sẽ phải chịu nhiều bất lợi. Dẫu sao, khi đội khách đá trên sân nhà của đối phương, phải chịu các áp lực sân nhà, là điều bình thường. Bạn nghĩ đi, mỗi năm sẽ có bao nhiêu vụ kiện tụng tại đại bản doanh của nhà bảo hiểm, khi mà các quy tắc bảo hiểm và luật định gần như cho bên bị kiện có lợi thế sân nhà trong lượt đi? Dù cho bạn nghĩ gì, thì đây là tính chất bất biến của cuộc đấu tranh mà khách hàng phải chấp nhận khi đã chọn đưa tranh chấp ra tòa. Bỏ qua các yếu tố kinh tế, nếu một doanh nghiệp mỗi năm qua lại tương tác với bất kỳ cơ quan nào hàng chục lần, thì mối quan hệ giữa người và người ở đó đã phải trở nên thân thiết và gắn bó. Kết quả thế nào thì các bạn đọc trong bản án sơ thẩm đã rõ.

Câu chuyện của chúng tôi, đó là phải biết trước kết quả đó, cứ để nó diễn ra theo quy luật vốn có. Phàm là khi có các quan hệ kinh tế hay bạn bè chi phối, tác động vào các quyết định, thường nó chỉ đúng trong mỗi mối quan hệ đó. Bước ra khỏi đó, sẽ là điều trở nên sai lầm trong suy nghĩ của người khác.

Ngay sau buổi xử sơ thẩm kết thúc, bước ra khỏi phòng xử, chúng tôi nộp ngay đơn kháng cáo. Lý do đơn giản là, chúng tôi đã chuẩn bị cho kết quả thua, biết trước sẽ thua. (Bạn đọc kỹ trong bản án phúc thẩm, sẽ thấy chi tiết đơn kháng cáo nộp cùng ngày xét xử sơ thẩm)

Không cần nghiên cứu bản án sơ thẩm, chúng tôi thấy rõ các sai lầm của đối phương ngay sau phiên xử sơ thẩm, chúng tôi cho rằng các sai lầm này mang tính chiến lược từ Ban lãnh đạo doanh nghiệp, khi quyết định chọn hướng đấu tranh:

1. Nhà bảo hiểm chọn hướng đấu tranh “hợp đồng vô hiệu”, nghĩa là người nông dân Miền tây – một khách hàng không giàu có, phải trả lại tiền bồi thường đã nhận cho một sự kiện bảo hiểm có thật. Điều này nếu phát triển nhận thức ra, cho dù nhà bảo hiểm có thắng kiện, đây sẽ là thất bại thảm hại về mặt kinh doanh. Thất bại này mới đáng chết… doanh nghiệp! Cả một thị trường mênh mông nếu biết chuyện này, thì còn cơ hội bán bảo hiểm cho các khách hàng khác nữa hay không? Lòng người có ủng hộ cho một triết lý kinh doanh “ác quá ác” như vậy nữa hay không? Đội ngũ đại lý cho dù có lao theo lợi nhuận, thì họ luôn biết rõ, họ bán bảo hiểm cho người thân, dòng họ mình là chính. DNBH hành xử vậy, liệu mình có dám đưa người thân, dòng họ mình đóng tiền vào nhà bảo hiểm này?

2. Có sai lầm về mặt kỹ thuật tố tụng. Nguyên đơn đòi tiền bảo hiểm, thẩm quyền tòa án cao nhất chỉ xét các yêu cầu khởi kiện đòi tiền bảo hiểm. Nếu muốn bên mua bảo hiểm trả lại tiền đã nhận, thì phía BH phải có yêu cầu phản tố; tòa án thụ lý và bên phản tố phải đóng án phí cho nội dung phản tố. Đó là một nguyên tắc tố tụng dân sự, nhằm thực hiện yêu cầu khác của phía bị đơn.

3. Luận cứ mà bị đơn dùng chống lại nguyên đơn – cung cấp thông tin không trung thực, gian dối để ký hợp đồng bảo hiểm nhằm thụ đắc quyền lợi bảo hiểm - là một luận cứ mơ hồ, không phù hợp với hợp đồng bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành. (Bạn đọc trong bản án Phúc thẩm sẽ thấy).

Trên cở sở 3 điểm sai lầm nghiêm trọng của đối phương, chúng tôi tổ chức phản công ở phiên phúc thẩm, vì lúc này nhà bảo hiểm không còn lợi thế sân nhà.

Xét về mặt tiềm lực kinh tế, nguyên đơn không thể sánh được rồi, đừng nói chuyện so sánh tiền nong ở đây. Thế thì, cái tính “ác quá ác” lộ liễu thế kia, phải dùng gì để khắc chế? Chúng tôi thảo luận rồi kết luận được là: chỉ có thể dùng lương tâm con người, không thể dùng thứ khác được!

Ở phiên sơ thẩm, tôi trực tiếp tham gia tranh tụng, nhưng trọng trách tôi phải dừng ở đó. Mục đích của tôi là dò xét đối phương mà thôi. Tôi nên lùi lại để tổ chức trận đấu, còn các bạn trẻ trong công ty sẽ thực hiện. Chúng tôi là một e kíp phối hợp ăn ý.

Các phương án:

1. Thu thập các hồ sơ bảo hiểm khác làm chứng cứ. Tự mua hợp đồng của DNBH để xây dựng chứng cứ.

2. Tương tác liên tục với tòa Phúc thẩm bằng văn bản, yêu cầu nhà bảo hiểm phải cung cấp chứng cứ chứng minh Bên mua bảo hiểm gian dối. Yêu cầu nhà bảo hiểm phải công khai quy trình nhận bảo hiểm. Chứng minh quy trình xét xử tòa cấp sơ thẩm sai tố tụng.

3. Thuyết phục Người được bảo hiểm phải có mặt trong phiên xử, để Hội đồng xét xử nhìn thấy hậu quả của tai nạn và hoàn cảnh mất sức lao động ảnh hưởng đến gia đình anh ta. Làm cho Hội đồng xét xử cảm thông với BMBH, vì Hội đồng xét xử là những con người, không phải là máy móc.

Trong quá trình tranh tụng phúc thẩm, phía bị đơn lúng túng và bắt đầu nói dối với Hội đồng xét xử:

Đối với phương án 1: Bị đơn phủ định các chứng cứ mà chúng tôi cung cấp, cho rằng các hợp đồng bảo hiểm chứng cứ đó là tài liệu photoshop, do chúng tôi tự in ra.

Đối với phương án 2: Yêu cầu cung cấp Quy tắc/Quy định nào mà nhà BH cho khách hàng biết là nếu mua bảo hiểm với công ty khác, thì không thể mua thêm bảo hiểm của nhà bảo hiểm PH. Người đại diện ủy quyền của PHL khẳng định chắc nịch: “Chúng tôi có quy chế quy định nếu khách hàng mua bảo hiểm của công ty khác thì Phú hưng không bán!” (Trích nguyên văn lời ông CTL – đại diện Phú Hưng). Đây là lời nói dối không thể bào chữa được, là một sai lầm chết chóc vì DNBH đã nói dối trước tòa.

Dĩ nhiên, Tòa án phải yêu cầu PHL trình ra cái quy định tưởng tượng đó. Làm gì có mà trình!? Họ gửi cho Tòa và nguyên đơn 1 bản quy định của nội bộ, của bộ phận thẩm định, chẳng có ai chịu trách nhiệm ký vào, như văn bản tờ bướm quảng cáo rải ngoài đường,… Dĩ nhiên, sao có thể được chúng tôi và Hội đồng xét xử chấp nhận?! Hai bạn trẻ của Tila dự phiên tòa nêu ý kiến bác bỏ ngay lập tức!

Khi nguyên đơn chứng minh HĐXX sơ thẩm áp dụng sai quy trình tố tụng, bị đơn lại tiếp tục nói dối, nêu ý kiến là nội dung phản tố đã được bị đơn cùng đại diện VKS nêu ra tại phiên sơ thẩm, và nguyên đơn đã chấp nhận phản tố (!). Thiệt là lời nói dối trắng trợn! Bản án sơ thẩm ghi rõ không có VKS tham gia phiên xử kia kìa! Và cũng không ghi nhận nội dung phản tố nào! Vậy mà dám đứng giữa tòa nói dối tỉnh bơ như không (!)

Tôi mà là Tổng giám đốc của DNBH, sẽ có quyết định cho thôi việc ngay lập tức người đại diện ủy quyền phụ trách giải quyết vụ tranh chấp này không thương tiếc! Để anh ta làm việc chỉ gây thêm tổn thất cho doanh nghiệp!

"Luật sư làng" tường thuật từ vụ tranh chấp.

Tác giả : Trương Minh Cát Nguyên - Tổng Giám Đốc TiLa

Link :

https://tilafinance.com.vn/blog-chia-se/hai-ngon-tay.html - Tóm tắt phần 1

https://www.facebook.com/tilafinance.com.vn/photos/pcb.2632716783690322/2632717110356956/ - Bản án phúc thẩm

Tila

CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ BẢO HIỂM TILA

 Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà Rivergate Residence, Số 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh.

 Số liên hệ: 0933773076

 Email: tuvantila@tilafinance.com.vn

 


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng