Sau một loạt các vấn đề lùm xùm của ngành bảo hiểm nhân thọ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của khách hàng trong 2023, đã đến lúc cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp, quy định để củng cố kỷ luật thị trường.
KÊNH BANCASSURANCE LỘ DIỆN NHIỀU VẾT GỢN.
Sau thời gian tăng trưởng nóng, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài Chính), lần đầu tiên trong lịch sử hơn 20 năm hình thành và phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm đã tang trưởng âm suốt 10 tháng trong năm nay. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí tòa ngành BHNT giảm 10,93% so với cùng kỳ 2022 (ước đạt 127.000 tỷ đồng).
Thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự báo sẽ chứng kiến sức mua tiếp tục giảm sâu sau sự kiện Bộ Tài chính ban hành Thông tư 67/2023/ TT-BTC ngày 2/11/2023 hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, trong đó có quy định chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance).
Thông tư 67/2023/TT-BTC ngày 02/11/2023 (sau đây viết tắt là THÔNG TƯ 67) được Bộ Tài chính ban hành sau những lùm xùm xung quanh hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng, thậm chí vấn đề đã vào tới nghị trường quốc hội.
Qua hoạt động thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), cơ quan chức năng phát hiện tỷ lệ số lượng hợp đồng bảo hiểm đã hủy ngay sau năm đầu tiên khách hàng tham gia rất lớn, có doanh nghiệp tỷ lệ này lên đến 60%-75%. Theo thống kê, số lượng hủy bỏ, không đóng phí duy trì hiệu lực hợp đồng đối với tất cả các kênh phân phối không chỉ riêng ngân hàng, là một thực trạng đáng báo động.
Thông tư 67 đã tăng cường tính minh bạch; đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; tăng cường trách nhiệm giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.
CẦN THÊM NHIỀU GIẢI PHÁP
Dù Thông tư 67 đã có quy định siết lại hoạt động đại lý bảo hiểm, nhưng vẫn chưa thể đảm bảo tính tự giám sát và tuân thủ của các DNBH. Do đó, cần có thêm nhiều giải pháp để gia cố kỷ luật thị trường. Một trong những giải pháp mang tính căn bản mà người viết muốn đề xuất, đó là Nhà nước nên phân quyền để các tổ chức xã hội giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng, thay vì cấm ngân hàng bán một số sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trước, trong và sau khi có nhu cầu vay của khách hàng. Các tổ chức xã hội này theo đề xuất của chúng tôi gồm:
1. Thứ nhất, hội/hiệp hội nghề nghiệp cho các cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm
Theo số liệu thống kê của Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam, số lượng đại lý bảo hiểm đang hoạt động năm 2023 (cả nhân thọ và phi nhân thọ) trên 700.000 người, với nhiều trình độ khác nhau và được các DNBH đào tạo là chính. Do nhu cầu sử dụng lao động, việc đào tạo và quản lý lực lượng này chỉ có DNBH quản lý, phục vụ cho mục tiêu duy nhất là kinh doanh bảo hiểm. Do đó, vấn đề chất lượng tư vấn của lực lượng này hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của DNBH. Nếu việc đào tạo và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp không được chú trọng bằng việc phải tập trung cho mục tiêu doanh thu, chắc chắn khách hàng sẽ nhận được dịch vụ tư vấn kém và ngược lại.
Khi tham khảo các phương pháp quản lý lao động của ngành nghề khác có tính chất tương đồng với nghề tư vấn đại lý bảo hiểm, ví dụ như nghề luật sư, môi giới bất động sản, kế toán,… thì các nghề này đều có hiệp hội, hội nghề nghiệp riêng. Các tổ chức hiệp hội/hội nghề nghiệp này đã cung cấp cho các hội viên những quy định ràng buộc mang tính tự nguyện về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, có nội quy và cùng thỏa thuận áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc các hội viên phải tuân thủ quy chế quản lý chung. Trên cơ sở đó, chất lượng lao động được gia tăng đáng kể. Việc chuyển giao công tác quản lý đội ngũ đại lý bảo hiểm cho các “nghiệp đoàn” sẽ giúp cho các DNBH “rảnh tay” trong công tác quản lý kinh doanh và đào tạo. Ngoài ra, với việc đóng phí hội viên/đoàn viên cho các “nghiệp đoàn” hàng năm, một cách tự nhiên, ngành bảo hiểm sẽ sàng lọc được những người lao động vì nghề thật sự, loại bỏ những người chỉ “dạo chơi một vòng miễn phí” trong làng nghề bảo hiểm. Chứng chỉ đại lý cũng nên có nhiều thứ bậc khác nhau và phải gia hạn trong một thời gian nhất định để đại lý phấn đấu học tập. Khi tham gia hội nghề nghiệp, các hội viên cũng sẽ được tổ chức này bảo vệ trong trường hợp bị các DNBH đối xử bất công.
Hiện nay, các đại lý bảo hiểm không phải là những hội viên của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhưng lại bị các DNBH ràng buộc phải tuân thủ “luật chơi” của các DNBH là thành viên của Hiệp hội. DNBH dựa vào quy chế đơn phương do họ tự đặt ra, áp đặt cho lao động đại lý bảo hiểm nhiều điều khoản hợp đồng bất bình đẳng đến mức tùy tiện, vô cùng bất lợi cho các đại lý, tạo ra môi trường lao động vô cùng khắc nghiệt cho những người làm nghề.
2. Thứ hai, đẩy mạnh vai trò của các doanh nghiệp phụ trợ bảo hiểm
Có thể nhận thấy, đại lý bảo hiểm là đại diện theo ủy quyền của DNBH trong giao kết hợp đồng bảo hiểm với khách hàng. Một bên được đào tạo, hiểu rõ sản phẩm; bên còn lại không có hoặc thiếu thông tin về sản phẩm đó. Rõ ràng, khi giao kết bảo hiểm được lập sẵn, tình trạng bất cân xứng thông tin luôn diễn ra, “người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm!”. Do vậy, khách hàng cần có một chuyên gia am hiểu về bảo hiểm ngang bằng hoặc hơn so với đại lý, đại diện cho mình làm việc với nhà bảo hiểm. Việc này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách bất cân xứng thông tin giữa các bên.
Lấy một giao kết bảo hiểm tại ngân hàng làm ví dụ, trường hợp khách hàng thấy rằng mình bị ép phải mua bảo hiểm nhân thọ đi kèm khoản vay, họ có thể ủy quyền cho người có am hiểu về lĩnh vực bảo hiểm này, có chứng chỉ hành nghề tư vấn bảo hiểm hợp pháp, độc lập thay mặt họ đến làm việc với nhà bảo hiểm và ngân hàng, sao cho mọi vấn đề liên quan đến gói bảo hiểm và gói vay được minh bạch, tiến tới hai bên sẽ ký kết hợp đồng trong sự tin tưởng và đúng nhu cầu.
Khi khách hàng đã cử chuyên gia thay mặt mình làm việc với các bên, ngân hàng sẽ không còn bị mang tiếng “ép khách hàng” mua bảo hiểm; nhà bảo hiểm sẽ cung cấp sản phẩm cho những khách hàng đã hiểu rõ nhu cầu của họ, có phương án thanh toán phí vào những năm sau cùng gói vay, tình trạng hủy bỏ hợp đồng chắc chắc sẽ được cải thiện.
3. Thứ ba, khuyến khích giao dịch bảo hiểm tại các văn phòng luật sư, văn phòng thừa phát lại, văn phòng tư vấn bảo hiểm độc lập
Hợp đồng bảo hiểm chính là một tài sản hình thành trong tương lai của bên mua bảo hiểm thông qua các khoản tiết kiệm định kỳ có kế hoạch dài hạn của mình. Bào hiểm nhân thọ là kênh huy động vốn nhàn rỗi rất dài hạn, bền vững trong dân chúng với chi phí thấp. Trường hợp sự kiện bảo hiểm xảy ra, đó là một di sản to lớn có ý nghĩa cho thế hệ sau của Người được bảo hiểm, có thể chuyển đổi thành các tài sản khác.
Vấn đề đặt ra là, đối với nhiều giao dịch mua bán tài sản, hoặc tài sản hình thành trong tương lai, các bên luôn muốn có người làm chứng ký vào để đảm bảo giao dịch này là khách quan, bình đẳng,… thì tại sao giao dịch mua bảo hiểm – một di sản, một tài sản hình thành trong tương lai – lại được thực hiện một cách hời hợt, sơ sài thông qua vài cái tick vào bảng câu hỏi và trả lời có hay không về sức khỏe,… chữ ký nguệch ngoạc trên ipad và cái mã OTP được gửi về số điện thoại không biết chính chủ hay không? Những điều này không ai có thể kiểm chứng nếu chỉ có đại lý và khách hàng làm việc với nhau.
Đại lý là người được ủy quyền của DNBH thực hiện giao kết bảo hiểm, thế nhưng chính đại lý lại là người làm chứng cho giao dịch do chính mình thực hiện. Điều này là không khách quan.
Tại Thông tư 67 có quy định, đại lý bảo hiểm phải lưu giữ bản ghi âm buổi giao kết bảo hiểm với thời gian tối thiểu là 5 năm. Điều gì sẽ xảy ra nếu đại lý không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không thể lưu giữ? Các giải pháp lưu giữ bản ghi âm sẽ đối chiếu ra sao nếu người được ghi âm đã chết, làm cách nào để giám định giọng nói trong trường hợp đó?
Với việc các bên thực hiện giao dịch bảo hiểm tại các văn phòng luật sư, văn phòng thừa phát lại, văn phòng công chứng, văn phòng tư vấn bảo hiểm độc lập… các giao dịch bảo hiểm sẽ trở nên “rất thật”. Những giao kết đó sẽ đảm bảo rằng mọi chứng cứ, mọi vấn đề về hình thức và nội dung bảo hiểm đã được các bên làm rõ, có người đủ chuyên môn đảm bảo, làm chứng rằng giao kết bảo hiểm này là hợp pháp. Không ai trách móc được ai về việc cung cấp thông tin để thực hiện ký kết hợp đồng này.
“Luật sư làng” – Trương Minh Cát Nguyên
Nguồn: Báo Đầu tư Chứng khoán ấn phẩm đặc biệt, nhân dịp kỉ niệm 10 năm “Ngày thị trường bảo hiểm Việt Nam” – 18/12/2023.
Nếu quý đối tác có vấn đề cần hỗ trợ tư vấn, xin vui lòng liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây:
CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ TƯ VẤN BẢO HIỂM TILA
Hotline: 0788 829 797
Email: tuvantila@tilafinance.com.vn
CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ BẢO HIỂM TILA
Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà Rivergate Residence, Số 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh.
Số liên hệ: 0933773076
Email: tuvantila@tilafinance.com.vn